Tập tính Ophiophagus

Săn mồi

Rắn hổ mang chúa, giống như những loài rắn khác, tiếp nhận tín hiệu hóa học thông qua chiếc lưỡi chẻ, đánh hơi (cảm thụ các phân tử mùi hương trong không khí) bằng các tế bào cảm giác trên lưỡi, rắn đưa đầu lưỡi chạm vào cơ quan thụ cảm giác quan (còn gọi là cơ quan Jacobson) nằm trên vòm họng để truyền các thông tin nhận được đến não bộ.[2][29] Giác quan này cũng giống như khứu giác con người. Khi mùi vị con mồi được rắn phát hiện, co giật nhẹ ở lưỡi để nhận biết vị trí con mồi (các nhánh song song của lưỡi phát ra âm thanh); rắn cũng sử dụng thị giác quan sát (rắn có thể phát hiện con mồi di chuyển cách nó 100 m (330 feet)), một cách linh hoạt[31] và nhạy cảm với rung động mặt đất nhằm theo dõi con mồi. Mặc dù rắn không có tai ngoài, nhưng chúng "nghe" bằng cách cảm nhận rung động sóng âm qua da, cộng hưởng xuyên qua hộp sọ, truyền đến xương vuông (cạnh bên xương tai), sau đó truyền vào màng nhĩ bên trong.[32]

Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Loài rắn này tiết ra chất độc và chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi chúng tấn công con mồi. Trong nọc độc của rắn hổ mang có độc tố tác động đến hệ thần kinh, làm cho con mồi bị tê liệt thần kinh và hôn mê. Trong một số trường hợp loài rắn này không phóng ra nọc độc khi cắn.

Sau khi cắn vào con mồi, rắn sẽ bắt đầu nuốt con mồi đang giãy giụa trong khi nọc độc bắt đầu quá trình tiêu hóa mồi. Rắn hổ mang chúa, giống như tất cả các loài rắn, có quai hàm linh hoạt. Bộ xương hàm được kết nối bởi các dây chằng mềm dẻo như dây cao su, cho phép xương hàm dưới di chuyển độc lập. Điều này cho phép rắn nuốt cả con mồi của nó, cũng như cho phép rắn nuốt con mồi lớn hơn nhiều so với phần đầu.[2][29]

Rắn hổ mang chúa sống trên mặt đất, nhưng leo cây và bơi lội rất giỏi.[29] Tuy thân hình to lớn nhưng tốc độ di chuyển của rắn hổ mang chúa khá nhanh. Rắn có thể săn mồi suốt cả ngày, hiếm khi bắt gặp chúng vào ban đêm trong khi hầu hết những loài rắn hổ mang khác (thuộc chi Naja) hoạt động về đêm.[7] Ngành bò sát học phân loại rắn hổ mang chúa là động vật hoạt động ban ngày.[2][4]

Khẩu phần

Loài này thuộc chi Ophiophagus, một từ ngữ khởi nguồn trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là "loài vật ăn thịt rắn". Đúng như vậy, con mồi của rắn hổ mang chúa chủ yếu là những loài rắn khác, bao gồm rắn săn chuột, trăn nhỏ và thậm chí nhiều loài rắn độc khác ví dụ như những thành viên khác nhau thuộc chi Naja (chi rắn hổ mang thật sự), và chi Bungarus (chi rắn cạp nia).[4][5] Khi thức ăn khan hiếm, chúng cũng có thể ăn các loài có xương sống nhỏ khác, chẳng hạn thằn lằn, chimgặm nhấm. Trong một số trường hợp, rắn hổ mang chúa có thể "siết chặt" con mồi, ví dụ chim hay động vật gặm nhấm lớn, sử dụng cơ thể bắp thịt của chúng, mặc dù những trường hợp này không phổ biến.[2][5] Sau bữa ăn lớn, con rắn có thể sống trong nhiều tháng mà không cần săn mồi nhờ có một tỷ lệ trao đổi chất chậm chạp trong cơ thể.[2][28][29] Thức ăn phổ biến nhất của rắn hổ mang chúa là rắn săn chuột; hành trình đuổi bắt mồi thường đưa rắn hổ mang chúa đến gần khu dân cư.

Phòng vệ

Rắn hổ mang chúa đang nâng 1/3 cơ thể lên trong tư thế phòng vệ

Khi gặp nguy hiểm, rắn hổ mang chúa sẽ cố gắng trốn thoát nhanh chóng và tránh đối đầu.[34] Tuy nhiên, nếu tiếp tục bị khiêu khích, rắn hổ mang chúa trở nên rất hung dữ.[7][37]

Khi đối mặt, rắn hổ mang chúa sẽ nâng phần trước (thường là 1/3) cơ thể lên (khoảng 1,5 m) và nhìn thẳng vào mắt đối thủ, phồng mang rộng, lộ rõ cặp răng nanh và huýt lên ầm ĩ.[8][37][51] Rắn hổ chúa có thể dễ dàng bị kích động do đối tượng tiếp cận gần hay chuyển động đột ngột. Khi nâng cơ thể lên cao, rắn hổ mang chúa vẫn có thể di chuyển nhanh về phía trước để tấn công dù ở khoảng cách xa[37] và đối phương có thể đánh giá sai phạm vi an toàn. Rắn hổ mang chúa có khả năng cắn nhiều vết trong một lần tấn công duy nhất[6] nhưng rắn trưởng thành biết cách cắn và giữ chặt. Đó là cách thức phòng vệ của loài rắn này khi sống tại vùng rừng ít dân cư và rừng nhiệt đới rậm rạp.[8][37] Do đó nạn nhân bị hổ mang chúa cắn thường là người thôi miên rắn.[8]

Một số nhà khoa học tin rằng tính khí hung hãn của loài này đã được phóng đại mức. Hầu hết chạm trán tại chỗ trong cuộc sống với rắn hổ chúa hoang dã, con rắn xuất hiện tính khí khá điềm tĩnh, chúng thường kết thúc bị giết hoặc khuất phục do bất kỳ những kích động thần kinh khó. Nhiều ủng hộ quan điểm cho rằng rắn hổ mang chúa hoang dã thường có tính khí ôn hòa, mặc dù chúng thường xuất hiện tại khu vực nhà cửa san sát hay bị tác động, nhưng rắn rất giỏi tránh con người. Nhà sinh vật học Michael Wilmer Forbes Tweedie cảm nhận rằng "khái niệm này được dựa trên xu hướng chung nhằm làm lắng dịu tất cả thuộc tính của loài rắn mà ít quan tâm đến sự thật về chúng. Phản ánh tại một thời điểm cho thấy rằng điều này phải được như vậy, đối với loài rắn hổ chúa không phải hiếm, thậm chí trong khu vực dân cư, có ý thức hay vô thức, người dân phải chạm trán rắn hổ mang chúa khá thường xuyên. Nếu con rắn thực sự thường xuyên hung hăng, kết quả rắn cắn người hay xảy ra, do đó cực kỳ hiếm rắn hung hăng".[52][53]

Nếu rắn hổ chúa gặp một kẻ thù tự nhiên, ví dụ như chồn mangut, loài chồn có khả năng kháng nọc độc thần kinh, rắn thường cố gắng lẫn trốn.[54] Nếu không thể làm như vậy, chúng sẽ phồng mang và phát ra một tiếng huýt, đôi khi giả vờ ngậm chặt miệng. Những nỗ lực này thường chứng minh rất hiệu quả, đặc biệt đối với kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều so với loài chồn, ví dụ như các loài động vật có vú nhỏ có thể giết rắn một cách dễ dàng.

Một cách phòng vệ an toàn khi con người tình cờ gặp rắn hổ mang chúa là từ từ tháo bỏ áo sơ mi hoặc mũ và quăng nó xuống đất trong khi đang đi lùi về phía sau.[55]

Tiếng huýt gầm gừ

Tiếng huýt của rắn hổ mang chúa có cường độ thấp hơn nhiều so với nhiều loài rắn khác. Nhiều người cho rằng âm thanh mình nghe được từ rắn hổ mang chúa giống như một "tiếng gầm" hơn là một tiếng huýt.[56] Trong khi tiếng huýt của hầu hết các loài rắn có tần số khoảng từ 3.000 đến 13.000 Hz với tần số vượt trội gần 7.500 Hz, tiếng gầm gừ của rắn hổ mang chúa có tần số khoảng dưới 2500 Hz, với tần số vượt trội gần 600 Hz, thấp hơn nhiều so với tần số giọng nói người. So sánh hình thái phân tích giải phẫu học đã dẫn đến một phát hiện rằng túi thừa khí quản có chức năng cộng hưởng tần số thấp trong tiếng gầm của rắn và con mồi, loài rắn chuột vùng rừng ngập mặn, cả hai đều có thể phát ra tiếng gầm gừ tương tự như nhau.[56]

Sinh sản

Rắn con và vạch chữ V trên thân phân biệt với các loài rắn hổ mang khác

Rắn hổ mang chúa giao phối vào khoảng tháng 1-3. Khi di chuyển trong rừng, rắn cái tiết ra chất pheromone. Đây là cách chúng để lại mùi cơ thể thu hút rắn đực tìm đến giao phối.[28][32] Nếu nhiều con rắn đực cùng xuất hiện chúng sẽ vật lộn hay cố xô đẩy đối thủ tranh bạn tình. Khi gặp được rắn cái, việc đầu tiên của rắn đực là tán tỉnh và dò xét phản ứng của đối phương.[29] Hầu hết rắn cái đều có thói quen đề phòng những con rắn đực lớn. Rắn đực thường ngửi vào thân rắn cái để dò xét, biểu lộ ý muốn, nhằm đảm bảo an toàn. Rắn đực thường xoa đầu mình vào thân rắn cái. Nếu rắn cái có biểu hiện dè đặt giao phối thì rắn đực sẽ húc hoặc đẩy nhẹ vào thân rắn cái.[28] Sau khi rắn cái ưng thuận thì cả hai sẽ bước vào quá trình giao phối. Hai con rắn quấn cơ thể vào nhau theo hình xoắn dây. Rắn cái ngẩng cao cái đầu trong khi rắn đực tiến hành giao phối. Hoạt động này thường kéo dài khoảng vài giờ.[29]

Rắn cái mang thai khoảng từ 50 đến 59 ngày.[57] Chúng đẻ trứng vào khoảng cuối tháng ba đến cuối tháng năm.[58] Rắn hổ mang chúa là loài rắn duy nhất trên thế giới biết làm tổ đẻ trứng.[37] Rắn cái dùng lá khô và mảnh vụn để đắp tổ hình gò đất. Hầu hết các tổ nằm ở gốc cây, chiếc tổ cao 55 cm (22 in) ở trung tâm và rộng 140 cm (55 in) ở phần gốc.[59] Rắn cái thường đẻ khoảng 20 đến 40 trứng vào tổ.[7][28][32][51] Tổ gồm 2 hốc, hốc thấp bên dưới dùng để chứa trứng, hốc cao bên trên là nơi rắn cái cư trú, bảo vệ trứng. Rắn cái lưu lại trong tổ cho đến lúc trứng nở, kiên trì bảo vệ gò tổ, canh gác đề phòng bất kỳ con vật lớn nào đe dọa tiến đến gần, đây là thời điểm rắn cái khá hung hăng.[37][51] Quả trứng có chiều rộng từ 23 đến 33 mm, chiều dài từ 31 đến 73 mm và nặng từ 18,4 đến 40 g.[57] Rắn cái tận dụng sức nóng của thảm lá khô, cuộn tròn ấp tổ trứng từ 51 đến 79 ngày.[57] Nhiệt độ trong tổ thường rơi vào khoảng 26 đến 29,5 °C (78,8 đến 85,1 °F) với độ ẩm tương đối từ 80% đến 90%.[59] Ngay trước khi trứng nở, bản năng thúc đẩy rắn cái rời khỏi tổ đi săn mồi, chấm dứt mọi quan hệ với rắn con.[7] Sau một mùa giao phối, rắn cái có thể tích trữ tinh trùng rắn đực trong vài năm, sử dụng như kho lưu trữ để thụ thai cho chính nó vào mùa sau, mặc dù vậy hiện tượng này không phổ biến.[29][32]

Rắn non khi mới nở trung bình dài 37,5 và 58,5 cm (14,8 và 23,0 in) và nặng 9 đến 38 g (0,32 đến 1,34 oz).[58] Có đầy đủ tuyến nọc độc như rắn trưởng thành. Da rắn con có các vạch màu sáng, nhưng những vạch màu sẽ nhạt dần hoặc biến mất khi chúng trưởng thành. Rắn con thường cảnh giác và dễ bị kích thích, chúng sẽ rất hung dữ nếu bị quấy rầy.[8]